Text | TÌM HIỂU LỊCH SỬ SÀI GÒN - THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - PHẦN 3
Nói đến Sài Gòn xưa không ai lại không biết địa danh Bến Nghé. Bạn có biết tại sao lại gọi là Bến Nghé và Sài Gòn.
Địa danh Bến Nghé xuất hiện khá sớm, ban đầu là tên của một bến nước, sau chỉ một con rạch, cuối cùng dùng chỉ một địa phương (vùng trung tâm thành phố Hồ Chí Minh hiện nay).
Có 2 cách hiểu địa danh này:
- Theo phó bảng Nguyễn Văn Siêu trong cuốn Phương đình dư địa chí (1882). “Tục truyền sông này nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau kêu gầm như tiếng trâu kêu, cho nên gọi là Ngưu Hống (Ngưu là trâu, hống là rống).
- Nhà địa danh học Lê Trung Hoa lại cho Bến Nghé là cái bến mà “người ta thường cho trâu, bò ra tắm” vì có nhiều địa danh cấu tạo bằng “bến + tên thú” như rạch Bến Nghé (Nhà Bè), rạch Bến Tượng (Sông Bé) … (Địa danh thành phố Hồ Chí Minh – Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991, trang 62).
Bến Nghé có lúc còn được gọi là Bến Trâu (trong bài Gia Định thất thủ vịnh).
“… Tàu khói chạy mây tuôn sông mấy khúc, lờ lạt Bến Trâu”
Trong các sách chữ Nho, Bến Nghé được dịch là Ngưu Tân hay Ngưu Chữ; rạch Bến Nghé là Ngưu Giang (Ngưu Trâu; Tân hay chữ: Bến; Giang: sông).
Địa danh Sài Gòn lúc đầu chỉ vùng Chợ Lớn ngày nay, sau chỉ vùng Sài Gòn ngày nay, cuối cùng là chỉ cả Sài Gòn – Chợ Lớn hợp lại. Có nhiều cách giải thích địa danh địa danh này.
- Gòn là cây gòn, một loại “cây có bông nhẹ xốp hơn bông thường, thường dùng để dồn gối” (Huỳnh Tịnh Paulus Của– Đại Nam quốc âm tự vị - nhà in Bey Curiol & Cie, Sài Gòn 1895, tập 1, trang 390). Gòn còn có nghĩa là củi. Sài Gòn nghĩa là Củi Gòn. Báo Courier de Saigon (20.1.1868) cho địa danh này ban đầu là Cây Gòn, viết chệch thành Kai Gòn rồi thành Sài Gòn.
Hai giáo sư Phạm Thiều và Ca Văn Thỉnh viết: “Có thể là vì đô thị này hồi đầu được bao quanh bởi một vùng đất có trồngnhiều cây goòng (Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh – Ban liên lạc đồng hương thành phố Sài Gòn – Hà Nội 1972, trang 8).
- Gòn là do từ Việt Cổ “ngòn” (một biến âm của từ nguồn, có nghĩa là sông) còn thấy trong các địa danh như ngòn Cái Chanh (ở Rạch Giá), ngòn Cái Rái và ngòn Bác Giàu (tên 2 phụ lưu của sông Tiền …).
- Sài là củi, Sài Gòn là “sông củi, sông có bến bán củi” (Nguyễn Văn Âu, địa danh Việt Nam – Nhà xuất bản Giáo dục – Hà Nội – 1993 – trang 87). Vẫn theo tác giả này có nhiềuđịa danh mang từ củi như Xóm Củi (thành phố Hồ Chí Minh), Bến Củi (Tây Ninh), Sông Củi (Đồng Nai), sông Chợ Củi (Quảng Nam)…
- Gòn là tên một thầy lang (người dân Chợ Lớn xưa kia vẫn nghĩ đến phát triển văn hóa, đã dùng tên một nho sĩ – thầy Gòn để đặt tên cho vùng đất mới, ghi ơn người có công bảo vệ sức khỏe và dạy chữ nghĩa cho con em mình (Thành phố bất khuất – Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, 1984, trang 168). Thầy Gòn đọc lệch thành Sài Gòn.
Trong khi đó, Trương Vĩnh Ký cho các địa danh Bến Nghé và Sài Gòn có nguồn gốc từ tiếng Khmer.
Bến Nghé do ta dịch nghĩa từ Kompong: bến, Kon Krobey: con trâu).
Sài Gòn do từ Prey Nokdr (thị trấn trong rừng) mà ra (Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs, Sài Gòn, 1885).
* Để hướng dẫn tàu bè ra vào sông Sài Gòn được an toàn, thực dân Pháp đã cho xây một cột cờ cao 30 mét cách vàm Bến Nghé vài trăm mét. Cột cờ đó tên là gì. Được xây dựng năm nào. Nơi đây đã chứng kiến những sự kiện lịch sử gì qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp – Mỹ.
Cách vàm Bến Nghé vài trăm mét, trên mũi đất de ra sông Sài Gòn, thực dân Pháp đã cho dựng lên một cột cờ cao 30 mét gọi là cột cờ Thủ Ngữ.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, khu vực cột cờ Thủ Ngữ đã chứng kiến nhiều cuộc đấu tranh vang dội của quân và dân ta.
- Ngày toàn quốc chống Mỹ 19.3.1950 nhân dân phẫn nộ đã lôi lá cờ Mỹ trên cột cờ Thủ Ngữ xuống xé nát vụn trong khi thanh niên, học sinh ném củi đòn, đá cục vào lính Mỹ trên hai chiếc tàu chiến, khiến chúng phải đưa tàu ra giữa sông.
- Nhiều cuộc biểu tình xảy ra tại nơi đây dưới thời Mỹ Ngụy, tiêu biểu là cuộc biểu tình ngồi của hàng ngàn sinh viên ngày 4.1.1964 đòi Mỹ cút, đòi giải tán Ngụy quyền.
- Chiều ngày 25.6.1965 khách sạn nổi Mỹ Cảnh gần cột cờ Thủ Ngữ đã bị các chiến sĩ biệt động phá vỡ làm hàng trăm tên Mỹ và tay sai chết và bị thương.
- Ngày 30.4.1975 lá cờ đỏ sao vàng phất phới tung bay trên cột cờ Thủ Ngữ, chào mừng ngày giải phóng của thành phố sau 119 năm anh dũng chiến đấu chống ngoại xâm.
* Bạn có biết tại sao lại có tên là “Hồ con Rùa”. Địa danh này được xây dựng từ năm nào. Qua từng thời kỳ tên gọi của “Hồ con Rùa” là gì?
Gọi tên là Hồ con Rùa vì năm 1878, thực dân Pháp xây một tháp nước ở ngã tư Phạm Ngọc Thạch – Võ Văn Tần – Trần Cao Vân để cung cấp nước cho dân nội thành. Tháp xây kiên cố, khá cao, có thang hình xoắn ốc dẫn lên tới đỉnh. Ngã tư nói trên được gọi là Công trường Tháp nước (Place du Château d’eau).
Sau dân số thành phố tăng nhanh, nên tháp không cung cấp đủ nước nữa và bị dẹp bỏ năm 1921.
Trên nền tháp nước cũ, thực dân Pháp dựng đài tưởng niệm lính Pháp và lính Đông Dương chết trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất 1914-1918. Trong cuộc chiến tranh này, khoảng 9 vạn người Đông Dương – mà phần đông là người Việt Nam – bị Pháp bắt đưa sang châu Âu để đánh nhau với Đức hoặc làm việc trong các cơ xưởng quân sự. Đài tưởng niệm được khánh thành ngày 11.11.1927 và công trường được đặt tên là Công trường Chiến sĩ trận vong.
Sau đó, công trường lại đổi tên Thống chế Joffre (1852-1931), người từng cầm quân xâm lược nước ta ở Bắc Kỳ.
Sau hiệp định Genève, chính quyền Ngô Đình Diệm lấy lại tên cũ Công trường chiến sĩ.
Năm 1972, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu dẹp bỏ tượng các lính Pháp, xây Công trường viện trợ quốc tế để “ghi ơn” các nước “đồng minh” đã viện trợ cho chế độ Sài Gòn. Giữa công trường là một cột cao, trên đỉnh là nhiều cánh hoa xòe ra và một hình tròn (mà người Sài Gòn lúc đó cho là giống những ngón tay xòe ra để nhận đồng đô la). Thiệu bèn cho thay hình tròn bằng những nhụy hoa.
Dân chúng quen gọi nơi đây là Hồ con Rùa vì dưới chân cột có một con rùa đội bia (con rùa này bị hư trong vụ nổ sau 1975 nên ngày nay không còn nữa). Ngày nay, mọi người thường đến hồ để hóng mát, nhất là những lúc các cột nước phun cao, làm cho không khí ở đây trở nên mát mẻ dễ chịu./.
Tri thức
Source : Sở Xây dựng TP. HCM
|