1/. Bạn có biết tại sao năm 1998 là kỷ niệm 300 năm thành lập Sài Gòn? Việc hình thành và phát triển dân cư ở đây ra sao ?
Năm Mậu Dần (1698) được xem là cái mốc thời gian thành lập Sài Gòn. Kể từ thời điểm đó, vùng đất này chính thức được sáp nhập vào lãnh thổ nước ta, với tư cách một bộ phận hành chính cực nam của Tổ quốc. Như Trịnh Hoài Đức đã viết trong Gia Định thành thông chí “lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, mỗi dinh đặt chức Lưu Thủ, Cai Bạc, Ký Lục để cai trị”. Lúc đó, đất Sài Gòn là huyện Tân Bình thuộc phủ Gia Định, dinh Phiên Trấn.
Do đó năm 1698 là năm khai sinh Sài Gòn chính thức thuộc lãnh thổ nước ta. Nhưng người Việt đã đến vùng đất này cư ngụ sinh sống trước đó hàng ngàn năm rồi, rõ nét nhất là từ cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17. Lúc đó cùng sống với người Việt ở đây có một số người thuộc dân tộc khác như Stiêng, Mạ, Kơho, Mnông, tụ tập thành những “nước” tự trị mà lúc đó triều đình Huế gọi là “man quốc” hay “nước Mọi”. Từ năm 1678, chúa Nguyễn ở Phú Xuân đưa một số người Hoa từ Trung Quốc lánh nạn sang, vào đây sinh sống. Thời đó gọi những người này là người Minh Hương.
Trước khi vùng đất Sài Gòn chính thức nhập thành địa phận hành chính của nước ta thì chúa Nguyễn đã từng lập Đồn thu thuế ở đây (vùng Cầu Kho ngày nay). Từ 1623, lập đồn dinh ở Tân Mỹ (khoảng ngã tư Cống Quỳnh – Nguyễn Trãi).
Sự kiện cho thấy trước 1698, chúa Nguyễn đã từng xây dựng một bộ máy chính quyền bán chính thức ở đây để bảo vệ số lưu dân Việt. Đến năm 1698 là năm Sài Gòn chính thức thuộc về Việt Nam đã có khoảng 20 ngàn cư dân Việt sinh sống ổn định ở đây.
Người Việt đến đây trong giai đoạn đầu bao gồm phần đông là những đối tượng bỏ xứ tìm đường sinh lộ ở vùng hoang địa, đất rộng người thưa. Tuy xa lạ nhưng là nơi đất đai phì nhiêu, cuộc sống tương đối yên ổn ở Đàng Trong. Còn Đàng Ngoài lúc đó thì điêu linh thống khổ vì chiến tranh Trịnh – Nguyễn. Lúc đầu chưa có chính quyền, họ tự lo lấy việc an ninh trật tự, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau khai phá trồng trọt, đổi chác… Đó là những bậc tiền hiền mà đời sau kẻ hậu sinh suy tôn công đức, lập nên cơ sở thờ phụng, hoặc lấy tên họ đặt thành địa danh làng xóm.
Cho nên, việc lập chính quyền Việt vào năm 1698 ở đất Sài Gòn là một sự kiện tất yếu, nhằm chính thức hóa một sự thể đã rồi “dân làng mở đất trước, nhà nước cai trị sau”.
2/. Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh là người đầu tiên có công lập phủ Gia Định. Để ghi nhớ công ơn của ông, nhân dân Sài Gòn – Gia Định đã lập đình thờ ông. Bạn có biết đình đó tên là gì? Ở đâu? Đình được xây dựng năm nào? Nét đặc sắc của đình là gì ? Đình được xây dựng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm nào ?
Đình Minh Hương Gia Thạnh là nơi thờ Nguyễn Hữu Cảnh làm thượng đẳng thần. Đặt tại số 380 Trần Hưng Đạo B, quận 5.
Tiền thân của đình Minh Hương Gia Thạnh là nhà việc của làng Minh Hương, xây cách nay trên hai thế kỷ (1789). Năm mươi năm sau (1839) trên nền nhà ấy ngôi đình được dựng lên. Từ đó đến nay, đình trải qua nhiều hoạt động trùng tu. Tuy do người Hoa lập ra để thờ những người làng Minh Hương có công trạng, đình dành một vị trí trang trọng để thờ Nguyễn Hữu Cảnh với câu xưng tụng: “Thống suất Lễ Thành Hầu hộ quốc tì dân ách canh uy viễn chiêu ứng Nguyễn Công Thượng đẳng thần”.
Cấu trúc, mái đình lợp ngói, trên nóc gắn hình “lưỡng long tranh chầu”. Đình xây theo kiến trúc Trung Quốc nhưng pha lẫn nhiều yếu tố văn hóa Việt Nam. Các bao lam bằng gỗ được chạm trổ tỉ mỉ. Bàn thờ khảm xà cừ khá tinh xảo. Trong đình treo nhiều câu đối, câu liễn, hoành phi. Đình còn giữ nhiều cổ vật quý giá như: Cái chuông (1823), cái đỉnh (1842)…
Ngày 07.01.1993, Bộ Văn hóa nước ta quyết định công nhận đình Minh Hương Gia Thạnh là di tích kiến trúc nghệ thuật của đất nước.
Ngoài ra ông còn được thờ ở nhiều nơi./.
Phan Út
Source : Sở Xây dựng TP. HCM
|