132 documents
17/132 results        
Description
TitleGóp thêm về hoạt động các nhà xuất bản ở Sài Gòn 1945 – 1954
AuthorVũ Hạnh, Nguyễn Ngọc Phan
Date2008
TextGóp thêm về hoạt động các nhà xuất bản ở Sài Gòn 1945 – 1954

Trước 1945 ở Sài Gòn hình như mỗi nhà xuất bản chuyên về một loại sách. Nhà xuất bản Rey et Curiol xuất bản sách của Paulus Huỳnh Tịnh Của, của Pétrus Trương Vĩnh Ký và Thế Tải Trương Minh Ký...

Truyện thơ bình dân như Phạm Công Cúc Hoa, Lâm Sanh Xuân Nương, Lục Vân Tiên, Bạch Viên Tôn Các, Trần Minh khố chuối, Chàng Nhái Kiển Tiên thì có các nhà xuất bản Bảo Tồn, Phạm Văn Thình, Phạm Đình Khương, Xưa Nay.

Truyện Tàu Thuyết Đường, Tây Du, Phi Long diễn nghĩa... thì có các nhà xuất bản Joseph Nguyễn Văn Viết, Đinh Thái Sơn, Tín Đức thơ xã.

Kim thời tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, Sơn Vương, Bửu Đình, Dương Minh Đạt thì có nhà xuất bản Đức Lưu Phương.

Tiểu thuyết của Phú Đức như Châu về Hiệp phố, Bách Xi Ma, Hiệp Liệt thì có nhà xuất bản Xưa Nay.

Kinh sách Phật giáo thì có nhà xuất bản Đoàn Trung Côn.

Đến năm 1945, khi Pháp trở lại Sài Gòn phần lớn những nhà xuất bản kể trên đều đã ngưng hoạt động, chỉ còn năm ba nhà như Bảo Tồn, Phạm Văn Thình, Tín Đức thơ xã, Phạm Đình Khương, Đoàn Trung Côn. Trong những năm từ 1946 đến 1949 tuy còn giữ môn bài xuất bản nhưng họ vẫn nằm chờ, chưa hoạt động trở lại vì thời cuộc không thuận tiện.

Trong lời nhà xuất bản Sơn Khanh viết “Đáng lẽ chúng tôi bắt đầu xuất bản từ tháng giêng năm 1947 như chúng tôi đã quảng cáo trong một vài sách báo. Nhưng mãi đến hôm nay chúng tôi mới ra được quyển truyện đầu. Thật là ngoài ý định của chúng tôi vì lý do thời cuộc...”. Lúc này, Sơn Khanh in Giai cấp là Tàn binh ..Rồi những truyện Thu Hương, Chị Tập, Phi Lạc sang Tàu của Hồ Hữu Tường, Loạn của Nguyễn Tử Việt. Sống Chung cũng in mấy tác phẩm của Lý Văn Sâm Nắng bên kia làng, Ngoài mưa lạnh. 

Trong lúc Sơn Khanh mở nhà xuất bản Sống Chung thì Đinh Xuân Hòa cũng mở nhà xuất bản Nam Việt ở số 151 đại lộ La Somme (ngày nay là đại lộ Hàm Nghi, quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Theo chương trình làm việc được công bố với người đọc, Nhà Nam Việt có những loại sách:

- Chân trời mới gồm những thiên khảo luận (Văn chương và xã hội, Nghệ thuật và nhân sinh, Văn nghệ và phê bình của bộ ba Tam Ích, Thê Húc, Thiên Giang), những tác phẩm văn chương có xu hướng tả chân xã hội (Lao tù của Thiên Giang, Tia nắng của Thê Húc, Chị Dung của Hợp Phố).

- Những tác phẩm mới với những truyện sáng tác đề cao tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu của quân dân Việt Nam (những tập Vĩ tuyến XI của Quốc Ấn, Hờn chinh chiến của Việt Quang, Sau dãy Trường Sơn của Lý Văn Sâm, Trái lựu đạn không kịp nổ của Thiết Can, Một vũ trụ sụp đổ và Tranh đấu của Dương Tử Giang, Cứu lấy quê hương của Hoàng Tấn).

   Giữa năm 1949 hai nhà văn Vũ Anh Khanh và Thẩm Thệ Hà đứng ra thành lập một nhà xuất bản mới, nhà xuất bản Tân Việt Nam. Ngay từ ngày đầu góp mặt những tác phẩm của nhóm Tân Việt Nam đã thu hút được sự chú ý của mọi người. Quyển Người yêu nước được coi là tác phẩm thành công nhất của Thẩm Thệ Hà.

   Nhưng đáng chú ý hơn cả là bộ truyện dài hai tập Nửa bồ xương khô của Vũ Anh Khanh. Tập một vừa tung ra đã bán hết vèo ngay vì những người có cảm tình với ngòi bút Vũ Anh Khanh đều say sưa đọc. 

   Ngoài ra còn rất nhiều nhà xuất bản khác: Nhà Dân Tộc; Nhà Đuốc Việt, nhà Bạch Đằng, nhà Quê Hương... Cũng có những nhà xuất bản độc lập, tức là những tác giả tự mình xuất bản tác phẩm của mình, Nguyễn Xuân Mỹ với truyện Lấp con sông máu, Bách Việt (Mai Văn Bộ) với kịch thơ Tây Thi, Gái nước Việt, Ngươn Long với Ngậm hờn...

Theo Vũ Hạnh, Nguyễn Ngọc Phan, Văn học thời kỳ 1945 - 1975 ở Thành phố Hồ Chí Minh, Văn hoá Sài gòn, 2008.

Source : http://sachxua.net/forum/index.php/topic,10772.0.html

17/132 results        
© 2012-2015 IAO - Projet Director: Laurent Gédéon & François Guillemot
Site created by Gérald Foliot - Hosted by TGIR Huma-num
The site is part of the Virtual Cities Project: Beijing - Hankou - Saigon - Shanghai - Suzhou - Tianjin - Wenzhou - Zhejiang

Page rendering in 0.017s