132 documents
121/132 results        
Description
TitleTìm hiểu lịch sử Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - 2
AuthorKhánh Vân
Date2010-04-17
Text

TÌM HIỂU LỊCH SỬ SÀI GÒN - THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - PHẦN 2

* GIỚI THIỆU VỀ CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC NAY LÀ TRỤ SỞ ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ.
Trụ sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hiện tọa lạc tại đường Lê Thánh Tôn, nơi đầu đường Nguyễn Huệ, nhìn thẳng ra sông Sài Gòn.
 

Xưa còn gọi là dinh Xã Tây. Năm 1867, La Grandière cho bầu Hội đồng thành phố. Ngày 8-1-1877, tổng thống Pháp ký sắc lệnh cho Sài Gòn theo quy chế thành phố hạng nhất kiểu Tây phương. Từ đó người Pháp làm xã trưởng và Hội đồng thì nửa tây nửa ta. Tuy nhiên, bấy giờ Hội đồng vẫn chưa có trụ sở riêng, phải thuê phòng ở khách sạn Cosmopolitan thuộc sở hữu Wang Tai (Hoằnh Thái). Khách sạn này sau được xây lại và trở thành Sở Quan Thuế trên bến Tôn Đức Thắng ngày nay.

Từ năm 1871, đã có dự kiến xây nhà Xã Tây nơi cuối đường Kinh Lấp (Nguyễn Huệ - vị trí bây giờ) với kinh phí khoảng 300.000 francs. Trong cuộc thi đồ án, kiến trúc sư Codry chiếm giải nhất. Đồ án trụ sở này gồm nhiều phòng ốc chung cho xã trưởng, cảnh sát trưởng, kiến trúc sư trưởng, chủ tịch phòng thương mại, tòa án thương mại, Hội đồng thành phố và cả một trạm chữa cháy… Năm 1872, đồ án nhà Xã Tây bị bác, vì không nằm vuông góc với đường Kinh Lấp mà lại nằm xéo rất khó coi.

Năm 1873, Hội đồng thành phố trao cho kiến trúc sư Métayer vẽ đồ án khác, trị giá xây dựng lên tới 800.000franc. Đồ án này quá nhiều tiền mà việc lấp kinh kéo dài mãi tới năm 1887 mới xong nên cũng phải bỏ. Cuối 1874, thành phố mua lại ngôi nhà tầng lầu ở góc cuối đường Catinat-Bonard (đường Đồng Khởi – Lê Lợi ngày nay) từ góc khách sạn Continental bây giờ để tạm thời làm nhà Xã Tây. Trước đó vẫn còn phải thuê mấy phòng khách sạn Wang Tai. Năm 1893, Hội đồng ra nghị quyết cho xây dựng gấp. Nhưng từ 1894 đến 1896, Hội đồng vẫn tranh cãi nhau về vị trí và quy mô kiểu cách. Cuối năm 1896, Hội đồng chọn đồ án của kiến trúc sư Gardès và đầu năm 1898 trao việc xây cất cho nhà thầu Lailhacar, việc trang trí nội thất, ngoại thất cho họa sĩ Ruffier. Rốt cuộc sau 25 năm tranh cãi, địa điểm chọn lựa lại quay về nơi dự kiến ban đầu. Ngoài ra trong suốt 10 năm trời từ 1896-1907, việc trang trí nội thất và ngoại sảnh từng gây biết bao tranh cãi. Sau cùng việc trang trí đành phải giao lại cho nhà thầu nghệ thuật Bonnet sửa chữa và hoàn chỉnh để năm 1908 khánh thành dinh Xã Tây với dáng vẻ đại khái như hiện nay.

Từ 23-8 đến 23-9-1945, dinh Xã Tây trở thành trụ sở của chính quyền thành phố Sài Gòn thuộc nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Trong những tháng ngày miền Nam bị tạm chiếm, trụ sở này là Tòa Đô Chính của chính quyền Sài Gòn và sau ngày giải phóng 1975 đến nay là trụ sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
 

* PHỦ TOÀN QUYỀN ĐÔNG DƯƠNG NGÀY NAY CÓ TÊN LÀ GÌ, NẰM Ở VỊ TRÍ NÀO, VÀ DIỄN BIẾN LỊCH SỬ CỦA TÒA NHÀ NÀY.
Phủ Toàn quyền Đông Dương được xây dựng năm 1863, do kiến trúc sư Hermit, tác giả Tòa thị chính Hồng Kông thiết kế. Cơ bản hoàn thành vào năm 1869 nhưng phải đến 1875 mới trang trí xong và sử dụng được. Tòa nhà nằm trong một khu đất rộng 15 ha, tại 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa hay 106 Nguyễn Du, quận 1, giới hạn bởi 4 lộ chính: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Du, Nguyễn Thị Minh Khai và Huyền Trân Công Chúa. Mặt tiền tòa nhà rộng 80 mét, phòng khánh tiết có thể chứa 800 người. Kiểu nhà theo phong cách Tân Barốc, thời Đế chính Napoléon III, với mái gẩy Mausart, trang trí mắt bò, tràng hoa, hình tượng… Lúc bấy giờ được đặt tên là dinh Norodom và là phủ Toàn quyền Đông Dương.

Ngày 7.9.1954, đổi tên thành dinh Độc Lập, là phủ Tổng thống và là nơi ở của gia đình Ngô Đình Diệm. Tháng 2.1962, trong một vụ đảo chính bất thành, công trình bị ném bom hư hỏng nặng, Ngô Đình Diệm cho xây lại hoàn toàn mới trên nền cũ. Công trình được khởi công từ 1.7.1962 tuy năm sau Diệm bị lật đổ, nhưng công trình vẫn tiếp tục được xây dựng đến 31.10.1966 thì hoàn tất. Đồ án xây dựng là của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, vốn là khôi nguyên giải La Mã và việc thi công do công binh đảm nhận. Công trình này được đánh giá là một thành công, một sáng tạo, một kiến trúc hiện đại trên cơ sở kiến trúc cổ điển Pháp, tạo dựng một công trình hoành tráng, hài hòa với cây cỏ hoa lá, làm điểm kết lý tưởng của trục đại lộ Lê Duẩn ngày nay.

Công trình có diện tích sàn 200 m2, phân bố trên 100 phòng, với hội trường lớn, hành lang rộng, lối vào uy nghi, chiều cao bằng ngôi nhà 5 tầng, có thêm tầng hầm và tầng thượng, kỳ đài. Những lam đứng mặt tiền dạng lóng trúc gợi nét trang trí truyền thống Việt Nam, được nghiên cứu để có thể thu đều ánh sáng hướng đông chiếu sáng hành lang, do vị trí ngôi nhà xoay mặt hướng đông bắc chiếu ánh sáng mặt trời. Lối vào đại sảnh nâng cao với hồ nước hình bán nguyệt kiểu truyền thống Việt Nam. Đây là công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc hiện đại và dân tộc hiếm hoi ở Sài Gòn cũ.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, ngày 8.4.1975 dinh bị ném bom một lần nữa, do anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung thực hiện, 11 giờ 30 ngày 30.4.1975, ngọn cờ chiến thắng của cách mạng đã được cắm trên nóc dinh. Đây cũng là nơi diễn ra cuộc đầu hàng của Dương Văn Minh – vị Tổng thống cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn. Tháng 12.1975 tại đây đã diễn ra Hội nghị hiệp thương thống nhất đất nước và dinh Độc Lập được đổi tên thành Hội trường Thống Nhất./.

Khánh Vân

Source : Sở Xây dựng TP. HCM

121/132 results        
© 2012-2015 IAO - Projet Director: Laurent Gédéon & François Guillemot
Site created by Gérald Foliot - Hosted by TGIR Huma-num
The site is part of the Virtual Cities Project: Beijing - Hankou - Saigon - Shanghai - Suzhou - Tianjin - Wenzhou - Zhejiang

Page rendering in 0.02s